Một bản kế hoạch kinh doanh cho công ty dịch vụ mới thành lập có thể được hoàn thành khá nhanh chóng với các nội dung chính sau đây:
- Phần 1: Tóm tắt tổng quan về kế hoạch kinh doanh
- Phần 2: Tóm tắt tổng quan về công ty
- Phần 3: Mô tả công ty
- Phần 4: Phân tích thị trường
- Phần 5: Kế hoạch hoạt động
- Phần 6: Kế hoạch tiếp thị và bán hàng
- Phần 7: Kế hoạch tài chính
![](https://static.wixstatic.com/media/657d93c686e44e2d9b543a6e1e42cbca.jpg/v1/fill/w_980,h_652,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/657d93c686e44e2d9b543a6e1e42cbca.jpg)
Khi lập bản kế hoạch kinh doanh bạn không cần phải đầu tư quá nhiều vào chi tiết, bạn chỉ cần tạo một kế hoạch kinh doanh ngắn gọn nhưng chứa đựng những thông tin chất lượng. Trong vận hành kinh doanh, lập kế hoạch đem lại cho bạn một số lợi ích nổi bật sau:
Quá trình tìm kiếm, khảo sát, suy nghĩ và hoàn thiện bản kế hoạch mang lại sự rõ ràng về hướng đi và con đường kinh doanh cho công ty
Kế hoạch kinh doanh giúp bạn dễ dàng trình bày sự hiểu biết và tầm nhìn vững chắc về doanh nghiệp cho các nhà đầu tư và đối tác
Từ bản kế hoạch kinh doanh, bạn có thể nhìn thấy những ưu tiên hàng đầu và các nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp trong các khoảng thời gian xác định (ví dụ trong quý, trong năm, hoặc trong những giai đoạn kinh doanh quan trọng)
Kế hoạch kinh doanh còn thể hiện được tầm nhìn chung và con đường cho các nhà lãnh đạo và nội bộ công ty cùng thực hiện
Cần lưu ý đối tượng mục tiêu của bản kinh doanh là ai (bạn viết để thu hút nhà đầu tư, viết cho đổi tác hay viết cho nội bộ công ty), giữ cách trình bày đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu và phản ánh tình hình thực tế.
Tổng quan về mục đích của bản kế hoạch kinh doanh là sau khi đọc được các nội dung chính, người đọc nhìn thấy được tầm nhìn, động lực và con đường thành công của công ty. Thành công sẽ đạt được như thế nào và được đo lường ra sao, sự tiến bộ của công ty và năng lực giải quyết vấn đề trong cả quá trình vận hành để đạt được các mục tiêu như thế nào.
CÁCH TRÌNH BÀY CÁC PHẦN CHÍNH TRONG BẢN KẾ HOẠCH KINH DOANH
Phần 1 - Tóm tắt tổng quan về kế hoạch kinh doanh
Phần này nên viết sau cùng, sau khi đã hoàn tất các phần khác. Phần này thể hiện tổng quan về hoạt động kinh doanh của công ty, bao gồm các vấn đề công ty hướng tới giải quyết, sự khác biệt trong giải pháp, khách hàng lý tưởng và kết quả mong đợi.
Với đối tượng là các nhà đầu tư thì phần trình bày tổng quan cần nêu bật những con số quan trọng, khả năng sinh lời, cách số tiền được sử dụng hợp lý để thu hút sự chú ý.
Độ dài tóm tắt không vượt quá một trang, thể hiện các nội dung chính như sau:
Cơ hội – Doanh nghiệp hướng tới giải quyết vấn đề gì?
Sứ mệnh – Doanh nghiệp sẽ giải quyết được vấn đề gì?
Giải pháp – Doanh nghiệp thực hiện chi tiết như thế nào?
Thị trường – Doanh nghiệp hướng đến thị trường mục tiêu nào? Chân dung khách hàng lý tưởng?
Lợi thế cạnh tranh – Doanh nghiệp có Phương án hành động như thế nào để thành công trước các đối thủ cạnh tranh
Quyền sở hữu – Ai là người có quyền lợi liên quan chính trong công ty
Lợi nhuận kỳ vọng – Các cột mốc quan trọng về doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng, khách hàng là gì?
Điều quan trọng là phải cập nhật kế hoạch kinh doanh để thấy được sự tiến bộ, ăn mừng thành công và điều chỉnh khi có vấn đề phát sinh, được thực hiện tốt nhất trên cơ sở hàng quý.
Phần 2 – Tóm tắt tổng quan về công ty
Phần này trình bày ngắn gọn các thông tin quan trọng về công ty, xác định loại hình kinh doanh và mục tiêu kinh doanh, trình bày ngắn gọn thông qua các nội dung chính:
Giới thiệu công ty: Tổng quan về công ty và các mục tiêu kinh doanh
Tuyên bố sứ mệnh: Tuyên bố ngắn gọn về các nguyên tắc chỉ đạo của công ty và những gì công ty hướng tới thực hiện cho khách hàng, nhân viên, chủ sở hữu và các bên liên quan khác.
Lịch sử công ty: Phần này cung cấp câu chuyện phía sau, đặc biệt là câu chuyện cá nhân, về lý do doanh nghiệp được thành lập. Sử dụng phần này để cung cấp lịch sử bao quát của công ty từ những ngày đầu thành lập và cung cấp cho người đọc thông tin cập nhật về vị trí hiện tại của công ty về doanh thu, lợi nhuận, dịch vụ chính và khách hàng.
Thị trường và dịch vụ: Phần này phác thảo thị trường mục tiêu và các nhu cầu liên quan mà công ty sẽ giải quyết. Bao gồm các mô tả ngắn gọn về các dịch vụ được cung cấp, thị trường mục tiêu và các khách hàng.
Cơ cấu hoạt động: Mô tả chi tiết hoạt động của doanh nghiệp. Liệt kê nhân sự tiềm năng cần thiết để vận hành doanh nghiệp.
Mục tiêu tài chính: Mục tiêu này mô tả số vốn ban đầu cần thiết, doanh thu và lợi nhuận dự kiến, dự báo và ngân sách của doanh nghiệp.
(Còn tiếp)
Comments