top of page

Tìm hiểu công việc vận hành kinh doanh

Đã cập nhật: 1 thg 1

Trong số các vị trí làm việc liên quan đến kinh doanh, tôi đặc biệt yêu thích công việc vận hành kinh doanh. Vận hành kinh doanh bao gồm việc nghiên cứu, thiết lập và vận hành quy trình hoạt động kinh doanh của tổ chức.



Bằng các nghiên cứu tổng quan về tổ chức, các nhà vận hành kinh doanh sẽ thiết lập quy trình hoạt động hiệu quả bằng cách tìm ra phương án phối hợp tối ưu tất cả các nguồn lực bên trong và bên ngoài của tổ chức. Một số nội dung sau giúp bạn có những hình dung cơ bản về công việc này:


Mục đích thiết lập bộ phận vận hành kinh doanh trong tổ chức:


Mục đích của bộ phận vận hành kinh doanh trong tổ chức là những người thiết lập được cho tổ chức một quy trình hoạt động hiệu quả nhất, tạo sự liên kết chặt chẽ từ nội bộ cho đến khách hàng và đối tác.


Bộ phận vận hành có nhiệm vụ nghiên cứu tổng thể bên trong và bên ngoài để tạo nên các quy trình phối hợp hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình hoạt động để đem lại lợi thế cạnh tranh và giúp tổ chức phát huy được tối đa các nguồn lực sẵn có của mình.


Tùy theo lĩnh vực kinh doanh và hiện trạng của tổ chức mà bộ phận vận hành sẽ có những điểm giống và khác nhau ở mỗi ngành nghề, mỗi tổ chức. Công việc vận hành kinh doanh đòi hỏi bạn ngoài những khả năng và hiểu biết về chuyên môn, bạn cần phải có khả năng phân tích và đánh giá nhạy bén, khả năng lãnh đạo và tư duy có tầm nhìn về ngành nghề kinh doanh mà bạn đang theo đuổi.


Những nhiệm vụ chính của bộ phận vận hành kinh doanh:


1 - Thực hiện các nghiên cứu tổng quan trước khi bắt đầu thiết lập quy trình kinh doanh


Về nội bộ công ty: Bạn cần thực hiện các phân tích và đánh giá về các nguồn lực hiện tại bên trong tổ chức ví dụ về nguồn lực con người, tài chính, công nghệ.

Những báo cáo chi tiết về nguồn lực giúp bạn có cái nhìn tổng quát và đánh giá đúng năng lực của doanh nghiệp, để từ đó thiết lập nên một quy trình kinh doanh mà doanh nghiệp đáp ứng được và duy trì được trong thời gian dài.


Về thị trường: Thực hiện nghiên cứu tổng quan về ngành nghề kinh doanh, thị trường mục tiêu, các đối thủ cạnh tranh, các mối quan hệ đối tác, triển vọng ngành nghề.

Việc tìm hiểu và phân tích về thị trường giúp bạn đánh giá được vị thế doanh nghiệp hiện tại, giúp bạn tìm ra thị trường tiềm năng và đánh giá được các cơ hội cũng như nguy cơ tiềm ẩn. Hiểu biết về thị trường và ngành giúp bạn có những bước đi đầu tiên vững vàng, rút ngắn thời gian và tránh được những rủi ro.


2 - Một số thiết lập cơ bản cần có khi lập quy trình hoạt động kinh doanh


Bản kế hoạch kinh doanh: Bản kế hoạch kinh doanh được xem là tấm bản đồ để dẫn bạn đến mục tiêu của bạn, chính vì vậy bạn cần có sự tập trung và đầu tư toàn bộ nguồn lực để thực hiện việc lập kế hoạch trước khi hành động. Để lập quy trình kinh doanh bạn cần phân loại Bản kế hoạch kinh doanh này được lập để sử dụng cho mục đích nội bộ, để toàn bộ nhân sự của bạn có định hướng đúng và được xem như kim chỉ nam cho suốt quá trình thực hiện công việc này.


Quy trình làm việc và Sơ đồ tổ chức: Dựa trên mục tiêu kinh doanh và nguồn lực, bạn thiết kế quy trình làm việc và sơ đồ tổ chức, mục đích thể hiện sự phối hợp làm việc giữa các bộ phận trong công ty. Quy trình này cần có sự nghiên cứu và thảo luận nhiều lần để đạt được hiệu quả tối ưu về phối hợp, đảm bảo năng lực làm việc của nguồn lực hiện tại và giảm thiểu các lãng phí.


Mô tả chi tiết vị trí làm việc: Sau khi đã thiết lập quy trình làm việc tổng quan, bạn cần có bảng mô tả chi tiết công việc cho từng vị trí trong quy trình (bao gồm các công việc cần thực hiện, yêu cầu công việc, chỉ tiêu đánh giá chất lượng công việc, cách phối hợp với các bộ phận khác, KPI, ...)


Quy trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng: Quy trình này có thể trở thành lợi thế cạnh tranh nếu bạn tận dụng toàn bộ sự sáng tạo để làm nên sự khác biệt của doanh nghiệp. Bạn cần nghiên cứu nhu cầu, hành vi của thị trường mục tiêu kết hợp cùng khả năng của công ty bạn để đảm bảo quy trình thiết lập không những có sự sáng tạo mà còn đảm bảo chất lượng đồng đều mỗi lần phục vụ khách hàng.


3 - Vận hành quy trình kinh doanh:


Sau khi quy trình kinh doanh đã được thiết lập, bạn cần có những cuộc họp và buổi huấn luyện để trao đổi và đào tạo các nhân sự của công ty để mọi người hiểu rõ và cùng nhau thực hiện.


Một quy trình hiệu quả khi được thực hiện đúng và đồng bộ ở tất cả bộ phận của công ty. Những người thực hiện hiểu được mục đích của việc làm theo quy trình, nhìn thấy được hiệu quả của sự kết hợp này.


Bất kỳ quy trình nào cũng cần có sự thay đổi và phát triển, tại thời điểm thiết lập có thể đó là những bước đi đúng đắn và phù hợp nhất, nhưng khi bạn đưa quy trình vào hoạt động, bạn cần có sự kiểm soát và quan sát thường xuyên để đánh giá hiệu quả và độ tương thích với thực tế kinh doanh so với những thiết lập của bạn.


Quy trình luôn luôn cần được cải tiến để phù hợp với thực tế và đem lại hiệu quả cao nhất, tuy nhiên sự thay đổi cần phải dựa trên các đánh giá đầy đủ và chi tiết, cần bám sát mục tiêu và định hướng kinh doanh.


Để trở thành chuyên gia vận hành kinh doanh bạn cần tìm hiểu thật chi tiết về mô tả công việc này trong lĩnh vực kinh doanh của bạn. Điều quan trọng đầu tiên cần thực hiện là tìm hiểu và tập phân tích tình huống/ vấn đề của công ty, để từ đó đưa ra các phương án xử lý hoặc tìm kiếm quy trình áp dụng phù hợp để khắc phục vấn đề.


9.2023

Sa Nguyen



21 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page